Nghề Chài Trên Sông Nước Cửu Long
Đây là chương chủ đề về nghề chài trong hệ thống chương trình Sông Nước Cửu Long.
Trong chương này chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn gồm 3 phần mục được phận loại như sau:
Chài đơn: là loại hình chài rãi (quăng). Đây là loại hình hoạt động chài thông thường có thể đi làm từ 1-2 người đều được.
Chài rà: là loại hình ngư cụ chài có kích thước lớn hơn chài thường. Làm nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và phải đi từ 2 người trở lên. Chài này khong rãi hoặc quăng như chài thông thường mà người ta thả chài xuống sông và nắm lấy chân chài ở 2 đầu chiếc xuồng rồi bơi ngàng chiếc xuồng xuôi theo dòng nước sao cho chiếc chài dang rộng từ đáy sông lên mặt nước với ý đồ gom cá lại một lúc rồi thả chân chài chụp xuống và kéo chài lên thu hoạch cá bị mắc vào.
Chài lặn: đây cũng là loại chài lớn tương tự như chài ra. Chài này người làm không quăng chài mà dang chài ra rồi lặn kéo dưới đáy bè để chụp cá. Loài hình lao động này phải từ 3 người trở lên, đòi hỏi người làm ngoài hơi lặn dài, sức khỏe tốt, còn phải thêm kĩ năng kĩ thuật phối kết hợp và đủ can đảm lớn mới có thể làm được.
Kính thưa quý vị và các bạn!
Những ai từng sống hoặc đang sinh sống nơi miền sông nước Cửu Long chắc không gì xa lạ với nghề chài cá. Bởi đó không chỉ là thú vui dân dã mà từ lâu nó đã là nghề mưu sinh của bao thế hệ và biết người dân nghèo khó lam lũ "một nắng, hai sương". Và với những ai ly hương xa xứ thì đó trở thành niềm thương, nổi nhớ, kí ức chứa chan đong đầy cảm xúc.
Giới thiệu đến đây ắt hẳn nhiều người cũng đang thắc mắc về nghề chài nơi đây có những đặc điểm đặc trưng nổi bật thế nào mà trở thành niềm thương nỗi nhớ của bao như vậy.
Vâng, sau đây chương trình Sông Nước Cửu Long xin trân trọng giới thiệu tóm tắt đến quý vị và các bạn về một số đặc điểm của nghề chài.
Chài là một loại ngư cụ có hình như chiếc nón lá mỗi khi bung ra, người ta dùng để săn bắt cá trên sông nước như một số hình ảnh dưới đây.
Cấu tạo của chài gồm 3 phần chính:
+ Dây chài: là phần dây nối liền với thân chài có tác dụng giữ chài không bị rơi khỏi tay nắm của người làm mỗi khi quăng chài. Đặc điểm kỹ thuật phần này dài hay ngắn, to hay nhỏ là tùy thuộc vào vùng nước nông hoặc sâu, chày lớn hay bé khác nhau của sông nước nơi làm nghề mà người thiết kế dây để dài hay ngắn cho phù hợp.
+ Thân chài: là phần lưới dùng để giữ cá không chui ra ngoài mỗi khi quăng chài bắt chúng. Lưới chài thường được làm chủ yếu từ 2 loại dây sợi (nylon hoặc dây cước nguyên khối) phổ biến hiện nay. Đặc điểm ký thuật phần này có dây làm lưới to hay nhỏ và tiết diện rông hay hẹp là tùy vào sức khỏe và kinh nghiệm của người làm nghề mà người ta thiết kế sao cho phù hợp.
+ Chân chài: là những sợi dây xích kim loại được mắc dính vào thân chài. Có tác dụng giúp cho chài mau chìm trong nước để ngăn không cho cá tôm chui ra ngoài. Khi chài quăng ra thì phần này sẽ rơi trước xuống nước và chìm trong nước là sâu và nhanh nhất. Phần này to hay nhỏ, dài hay ngắn là phụ thuộc vào thân chài và do kinh nghiệm và sức khỏe của người làm nghề muốn nó nặng hay nhẹ ở mức nào.
Sử dụng loại ngư cụ này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe và có sự luyện tập một thời gian nhất định để đạt được kĩ năng quăng chài thuần thục thì mới có thể sử dụng được nó. Nếu đi làm nghề chày trên khơi xa sông nước còn phải tập thêm các kĩ năng bơi lội, chèo xuồng và lặn sâu nữa. Nhưng đó chỉ là bước đầu cơ bản trong nghề làm chài thôi. Còn việc làm nó có thu nhập đến đâu thì còn phụ thuộc vào rát nhiều ở kinh nghiệm của người làm và môi trường số lượng sinh sống cá tôm nơi làm nhiều hay ít.
Đó là nghề chài nói chung. Riêng nghề chài cá trên Sông Nước Cửu Long - Miền Tây Nam Bộ còn có thêm các loại hình chài rà, chài lặn. Đây là 2 loại hình chài to lớn phải có từ 2 người làm trở lên. Nhưng hiện nay 2 loại hình này hiếm còn người làm, bởi nhiều lý do khác nhau nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là môi trường sống cá tôm hạn hẹp không đảm bảo nhu cầu cuộc sống.
Xuất thân từ những cư dân sông nước, với chúng tôi nghề chài cũng như bao nhiêu nghề mưu sinh sông nước khác, đã mặc nhiên trở thành nguồn sống góp phần nuôi chúng tôi khôn lớn nên người. Gắn liền với đó là hình ảnh của những con người cần cù, chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó, chưa bao giờ ăn mặc đẹp, làn da chưa bao giờ kịp phai màu cháy nắng, đầu tóc chưa bao giờ được chỉnh chu chải chuốt thẳng lối ngay hàng. Họ ngày ngày ngược xuôi trên sông nước, vắt từng giọt mồ hôi, chắt chiu từng con cá, con tôm và đôi khi có cả máu và nước mắt để mang đến nguồn sống cho bản thân, gia đình và cho đời.
Cũng giống như bao cư dân trên vùng đất Cửu Long. Tuy mỗi người khác nhau về hoàn cảnh điều kiện sinh sống nhưng ngư dân làm nghề chài ở đây cũng mang đậm nét đặc trưng của người dân Miền Tây Nam Bộ như: giọng nói mộc mạc chân phương không uốn éo tròn môi và phát âm nhiều từ ngữ có phần lệch chuẩn so với tiếng nói chung của toàn dân Việt Nam; tính tình hiếu khách, cởi mở, phóng khoáng; đời sống khó khăn nhưng ở họ luôn toát lên sự yêu đời hào sảng và giàu niềm tin nghị lực ở tương lai.
Sau đây là đường link tập hợp những video cụ thực tế về cuộc mưu sinh của những ngư dân làm nghề chài mà chúng tôi mong muốn mang đến cho quý vị và các bạn về những chi tiết các đặc điểm nổi bật của những người làm nghề chài. Xin trân trọng kính mời quý vị và các bạn cùng chương trình Sông Nước Cửu Long chúng tôi trải nghiệm nhé.
https://www.youtube.com/playlist?list=PLp8LhpR-lAlZOSxrjpwqtK8DWi_NJhDpC
Trân trọng cảm ơn!
Dưới đây là một số video nổi bật của nghề chài. Kính mời quý vị và các bạn thưởng thức!